Chuyến hành trình đến Ladakh đã trở thành một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho đến thời điểm hiện tại. Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, vùng cao nguyên trùng điệp và văn hóa độc đáo, Ladakh thực sự là một thiên đàng cho những người yêu thích du lịch thiên nhiên, văn hóa và muốn vượt qua giới hạn của bản thân.
Ladakh thuộc dãy Himalayas nên cảnh sắc thiên nhiên ở đây mang đậm nét hùng vĩ, xung quanh là những ngọn núi tuyết hoặc những ngọn núi đá nâu cằn cỗi tuyệt nhiên không có một bóng cây. Ngoài cảnh tượng thiên nhiên đẹp đến nghẹt thở, vùng đất này còn rất linh thiêng với tôn giáo chính là Phật Giáo và cụ thể là Mật Tông được du mục từ Tây Tạng.
Ngày 1: Khám Phá Leh
Tụi mình đến sân bay New Delhi vào lúc 11h đêm nên đã check in chuyến bay đi Leh sớm và ngủ đêm tại cổng chờ ra sân bay. Vừa đặt chân xuống sân bay, tụi mình bị sốc bởi tiếng ồn, tiếng còi xe và sự đông đúc. Người dân nằm la liệt ở sân bay, đưa tiễn người thân tạo ra một khung cảnh náo nhiệt nhưng lộn xộn. Sân bay ở Ấn có 1 đặc trưng là thủ tục siêu rườm rà, chậm và đông vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, mặc dù có nhiều line check in và có cả máy check in tự động cho các chuyến bay nội địa. Ngoài ra, sân bay khá lạnh nên mọi người hãy chuẩn bị trước áo khoác ấm.
Chuyến bay đến Leh bắt đầu lúc 6h45 sáng và mất khoảng hơn 1h bay. Leh là thủ phủ của vùng này và nơi tụi mình bắt đầu hành trình. Ấn tượng đầu tiên là từ trên cao, có thể phòng tầm mắt nhìn xuống dãy Himalaya hùng vĩ, trùng điệp với tuyết phủ đầy trên các ngon núi, hào hức khiến mình quên đi cảm giác mệt mỏi sau một đêm vạ vật ngủ ở sân bay 🙂
Ladakh nằm trong khu vực chiến sự, tranh chấp của 3 quốc gia là Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc nên khi nhập cảnh, du khách cần điền tờ khai thông tin, có quân đội tuần tra trong sân bay. Tụi mình đã mua landtour trước đó nên có người đón tận sân bay về khách sạn. Cảm giác đầu tiên khi mới đặt chân đến Leh, mình có chút lo lắng vì môi trường sống ở đây quá khác với những gì mình đã trải qua suốt gần 30 năm, nhưng nghĩ lại thôi đã tới rồi, đâm lao phải theo lao 😐 Sau khi nghỉ ngơi thì tụi mình ra chợ làm sim và ăn trưa. Khi này, tụi mình chưa có biểu hiện say độ cao nhưng luôn cảm thấy khó thở, cần đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Ck mình có biểu hiện nhẹ là chảy máu cam (đây là biểu hiện bình thường).
Ngày đầu tiên tụi mình ưu tiên việc nghỉ ngơi, chuẩn bị sức khỏe khám phá Ladakh những ngày tiếp theo nên cuối ngày tụi mình chỉ đi ngắm hoàng hôn ở Shanti Stupa, phía sau khách sạn.
Thật may mắn, vì trong hành trình này, tụi mình có bạn landtour cực kỳ support, bạn tài xế siêu nice, chia sẻ rất nhiều thông tin về vùng Ladakh và 1 nhóm bạn mới luôn nhiệt tình giúp đỡ, động viên, mua vui cho nhau suốt quãng đường đầy thử thách này.
Ngày 2: Khám Phá Monasteries ở Ladakh
Ladakh nổi tiếng với các tu viện trên các vách núi cao, tồn lại lâu đời qua hàng thế kỷ. Tụi mình đã ghé thăm các tu viện như Thiksey và Shey và Stakna. Ấn tượng nhất là tu viện Thiksey, một trong những tu viện lớn nhất ở Ladakh, với các tòa nhà trên vách đá cao dần. Đây là nơi được Đạt Lai Lạt Ma thường ghé thăm và giảng đạo.
Tụi mình đã quen dần hơn với độ cao và không khí ở Ladakh, cố gắng uống nước nhiều hơn, xịt mũi thường xuyên và vẫn tiếp tục đi nhẹ, nói khẽ. Mình đã chủ quan không tiếp tục uống thuốc chống say độ cao và kết quả là tối hôm đó mình mất ngủ cả đêm với đủ các triệu chứng, đau đầu, đau bụng… cảm giác như ko thể kiểm soát được bản thân.
Ngày 3: Cung đường từ Leh – Nubra
Mình có hỏi bạn tài xế, thử thách lớn nhất khi trong hành trình khám phá Ladakh là gì? Bạn nói “new day, new challange” và thử thách của ngày đầu tiên là vượt qua đèo Khardung La.
Sau một đêm thức trắng, mình nghĩ chắc sẽ phải dừng hành trình ở đây và chỉ ở lại Leh cho tới ngày về. Tuy nhiên, bạn ck, bạn landtour và những người bạn mới đã động viên mình cố gắng, vì không biết khi nào sẽ quay lại Ladakh. Vừa quyết tầm, vừa mang theo cảm giác lâng lâng khiến mình mất tự tin đi rất nhiều.
Hành trình lại tiếp tục với cung đường vượt qua đèo Khadungla để đi đến thung lũng Nubra. Ở độ cao 5.602m, đèo Khardung La là con đường dành cho xe cơ giới cao nhất thế giới và đóng vai trò là cửa ngõ vào thung lũng Nubra. Đường lên đèo khá đẹp, nhưng bắt đầu có những khúc cua gấp khiến mình hơi sợ. Lên tới đỉnh đèo, mình chỉ kịp đi ra chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm và vào xe thở oxy gấp vì sốc độ cao. Ở trong trạng thái như vậy, thở oxy chỉ là phương án tạm thời, phương án cấp thiết là cần hạ độ cao càng sớm càng tốt. Nghĩ lại khi đó, mình chỉ biết sợ và đã nghỉ đến cảnh phải bỏ ra một số tiền lớn thuê trực thăng bay về nơi có độ cao thấp hơn 😐
Sau đó, tụi mình lại tiếp tục quanh co trên các cung đường gập ghềnh đi tới Nubra, thung lũng trù phú nhất toàn vùng Ladakh với trung tâm là làng Diskit. Mình
Tụi mình dừng chân 1 đêm trong 1 nhà khách mang đậm chất kiến trúc người Tibetan. Thiết kế bằng gỗ, đá, rất đơn giản, trồng nhiều rau, củ, hoa quả, nhiều nhất là táo và mơ. Họ biết nấu những món ăn theo khẩu vị người Việt, không có cà ri, khiến mình bớt nhớ hương vị quê nhà mặc dù mới đi có vài ngày 😀
Trên đường về, tụi mình ghé thăm tu viện Diskit, là tu viện Phật giáo lớn nhất và lâu đời nhất ở Thung lũng Nubra và chiêm ngưỡng tượng Phật Maitreya.
Sau khi nghỉ ngơi, buổi chiều tụi mình ra thung lũng cát Hunder và cưỡi lạc đà hai bướu, loài vật được sử dụng như là một phương tiện giao thông chính của người dân vùng Ladakh.
Ngày 3: Cung đường từ Nubra – Pangong Tso
Thử thách của ngày hôm nay là cung đường xấu với hơn 8h trên xe.
Rời khỏi Nubra tầm 50 km, internet bắt đầu mất. Đoạn đường tiếp theo là những đoạn đường đang làm dang dở, gập gềnh với nhiều bãi sỏi to, ổ gà, ổ vịt, có đoạn sạt lở, máy móc đang xử lý. Cảm giác như tim phổi đổi chỗ sau mỗi lần lắc lư. Căng thẳng hơn khi có những đoạn đường bên trái là vực sâu thăm thẳm, bên trên là con đường hẹp và lầy lội bùn đất. Bất cứ một sai sót nào cũng có thể trả giá. Trên đường đi, tụi mình đi qua nhiều căn cứ quân sự, nhiều ngôi làng nhỏ của dân du mục. Thay vì để các biển hiệu cảnh báo, họ thường dùng những câu chơi chữ, hay quote ấn tượng để nhắc nhở các lái xe như: “Life is short, don’t make it shorter” (Đời đã ngắn đừng làm nó ngắn thêm), “After whisky, driving risky”… (Say xỉn thì phải chạy xe cẩn thận)…
Anh tài xế có dừng chân ở một địa điểm ven đường để tụi mình ngắm một con vật đặc trưng ở chân núi Himalaya đó là Himalayan marmot. Chúng ăn cỏ nhưng cũng ăn bánh, kẹo do khách du lịch dừng chân và “dụ” chúng để chụp hình. Chúng tỏ ra ko hề xa lạ hay trốn chạy những người khách qua đường.
Cuôi cùng cũng đến hồ Pangong, hồ nước mặn cao nhất thế giới, có chiều dài 134 km, với khoảng một phần ba diện tích thuộc Ấn Độ, phần còn lại nằm bên phía Trung Quốc. Hồ nổi lên như một trong những địa điểm được du khách mong muốn ghé thăm nhất trong chuyến du lịch Ladakh, đặc biệt là sau bộ phim bom tấn “3 chàng ngốc” của Bollywood. Tụi mình tranh thủ ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp rực rỡ của màu xanh lam ở hồ nước này trước khi trời tối và bắt đầu có những cơn gió rít lạnh thấu xương.
Tụi mình ở lại một căn nhà nghỉ bên hồ Pangong và thưởng thức bữa tối, sau đó cùng đốt lửa trại và ngắm bầu trời đầy sao, cảm giác như có thể chạm tay tới. Không có từ ngữ nào có thể tả hết sự yên bình và vẻ đẹp của nơi này. Do thời tiết chỉ còn khoảng 0-2 độ C nên buổi tối đi ngủ, gió rít như muốn thổi bay nóc nhà, tụi mình phải chùm chăn ngủ. Các hoạt động vệ sinh cá nhân lúc bấy giờ ko còn là trọng yếu 🙂
Ngày 4: Cung đường Pangong Tso – Leh
Thử thách của ngày hôm này là vượt qua đèo Chang La.
Buổi sáng sớm, tụi mình thức dậy ra ven hồ để tận hưởng và hít hà không khí trong lòng nơi đây, thứ không khí trong lành mà ở thành phố ko có được. Hồ buổi sáng trong lành, xanh mát đến nhẹ lòng.
Sau khi ăn sáng, tụi mình lên xe quay về Leh. Trên đường đi, tụi mình sẽ đi qua con đèo Chang La, con đèo dành cho xe máy cao thứ 3 trên thế giới, nổi tiếng với những đoạn đường hùng vĩ, một bên là vách đá cao chót vót, bên còn lại là vực thẳm sâu hun hút. Do đã quen với độ cao nên khi qua đèo Chang la, mình không còn cảm thấy khó thở, đau đầu nữa.
Sau hơn 5h ngồi xe, tụi mình đã về tới Leh, trùng với ngày người dân có lễ hội nên tất cả hàng quán, cửa tiệm đều đóng cửa, nên tụi mình chỉ về khách sạn nghỉ ngơi và chuẩn bị rời Ladakh vào sáng hôm sau.
Sáng hôm sau, mình đi chợ sớm để mua quà lưu niệm, tận hưởng và hít hà nốt không khi ở nơi này. Các cửa hàng quà lưu niệm có giá bán tương đối giống nhau, mình cũng không trả giá nhiều vì cảm thấy thương, muốn giúp đỡ cho sự nỗ lực và cố gắng mưu sinh xứ này.
Vậy là chuyến hành trình đã kết thúc với biết bao kỷ niệm đẹp và những trải nghiệm thật sự đáng nhớ. Ladakh không chỉ có cảnh quan tuyệt đẹp mà còn có sự chân thành, chất phác của những người dân địa phương. Tụi mình thật sự thán phục họ vì sự bền bỉ, sự chịu thương chịu khó giữa vùng đất khắc nghiệt để sinh tồn những vẫn duy trì được những nét văn hóa độc đáo nơi đây.
Tóm lại, hành trình rong ruổi ngồi xe trên 600km quanh dãy nũi Himalaya, được trải nghiệm những gì?
- Vượt qua những con đèo thuộc top cao nhất thế giới
- Ghé thăm những tu viện cổ nhất thế giới
- Sốc độ cao với đủ các loại biểu hiện từ đau đầu, chóng mặt, đau bụng, khó tiêu, mất ngủ, tê chân tay, khô mũi, khó thở…
- Thời tiết thay đổi và khác biệt giữa ngày và đêm. Đêm xuống tới 0 độ.
- Những cung đường quanh co, có đoạn dài vẫn là đường đất, đá. Ngồi xe thôi mà thấy tim, phổi mún đổi chỗ cho nhau.
- Ở vùng tranh chấp lãnh thổ giữa 3 nước Ấn-Trung-Pakistan, quân đội đóng quân ở hầu hết các địa điểm quan trọng.
- Đồ ăn ở đây theo như chia sẻ thì totally organic, no chemicals, và ngonnnnnn. Táo, mơ mọc khắp nơi.
- Lái xe ở vùng này là một trong những lái xe có skill đỉnh nhất mà mình từng gặp, len lỏi từ ngõ ngách nhỏ cho tới đèo cao chót vót.
- Đa số người dân có vẻ ngoài giống người Tây Tạng (Tibetan) theo đạo Phật. Rất thân thiện, hiền lành.
- Người dân chỉ làm việc khoảng 6-7 tháng/ năm, chủ yếu sống bằng nghề du lịch. Nửa năm còn lại họ chỉ ăn và ngủ vì tuyết rơi, chặn các con đường đi lại giữa các vùng ở Ladakh.
- …
Còn nhìu thứ muốn chia sẻ những sau nhưng tất cả, nếu thực sự muốn thử thách bản thân và tìm kiếm những vẻ đẹp unique nhất. Hãy một lần tới Ladakh! Sẽ ko hối hận đâu ^^