Gần đây bộ phim Exhuma: Quật mộ trùng ma của Hàn Quốc bỗng trở thành cái tên được nhắc đến nhiều đối với các tín đồ điện ảnh tại Việt Nam.
Trước tiên nói về đạo diễn phim: Jang Jae-hyun thì 4 phim do ông đạo diễn đều có liên quan tới yếu tố tâm linh, ma quỷ, trừ tà. Như vậy có lẽ đây là dòng phim ông tập trung nhiều nhất trong sự nghiệp đạo diễn và thành công nhất tới nay.
Năm | Tên phim Tiếng Anh | Tên phim tiếng Việt |
2015 | The Priests | Mục sư |
2017 | House of the Disappeared | Ám hồn |
2019 | Svaha: The Sixth Finger | Svaha: Ngón Tay Thứ Sáu |
2024 | Exhuma | Quật mộ trùng ma |
Tiếp tục chủ đề khai thác tâm linh, tuy nhiên Quật mộ trùng ma gây tiếng vang hơn tại Việt Nam có thể do những nét tương đồng trong văn hóa Đông Á mà Hàn Quốc hay Việt Nam đều có: phong thủy, bốc mộ, trùng tang, trấn yểm, các nghi lễ tâm linh nhuốm màu shaman giáo.
Bài viết hôm nay của mình sẽ đi sâu vào tìm hiểu các chi tiết kỳ dị liên quan tới tình tiết trên phim mà đã tốn không biết bình phẩm, phán đoán của hội “suy” phim trên Tiktok.
- Trấn yểm và câu nói “Con cáo cắn eo con hổ”:
Khi linh hồn ông nội Park Ji-yong nhập vào đã tiết lộ một câu nói “Con cáo cắn eo con hổ” rất khó hiểu ban đầu. Nhưng dần dần đã được hé lộ và có liên quan tới yếu tố trấn yểm huyền bí. Việc này đã làm mình liên tưởng rất nhiều tới sự kiện “Trấn yểm sông Tô Lịch” ngày nào ở Hà Nội cũng như truyền thuyết Cao Biền đi khắp nước Nam để trấn yểm các mạch đế vương. Do vậy đây cũng là một trong những yếu tố tương đồng về văn hóa khiến phim khá gần với người Việt.
Về mặt phong thủy, địa thế của bán đảo Triều Tiên (bao gồm Hàn Quốc và Triều Tiên) được coi rằng có hình thù của con hổ. Hổ cũng là linh vật của người Hàn và cũng có liên quan tới thần thoại về Đàn Quân, người sáng lập vương quốc Joseon cổ đại.
Con cáo ở đây mình đang hiểu là Onmyoji (âm dương sư) Gisune chính là một con hồ ly tinh (cáo tinh). Nhân vật xuất hiện trong tấm hình cũ mà bà cô của Park Ji-yong còn lưu giữ. Theo như tình tiết phim thì Gisune đã hóa tinh và sống xuyên suốt từ thời của ác linh tới tận hiện tại (Có nghĩa cũng phải khoảng hơn 400 tuổi). Chính Gisune là người đã tạo ra chiếc đinh sắt (quan tài của ác linh) cắm thẳng vào huyệt đạo nằm ở biên giới Hàn Quốc Triều Tiên – tượng trưng cho eo của con hổ bán đảo Triều Tiên. Khiến cho xương sống của toàn bộ bán đảo bị thương, phải chịu sự chia rẽ. Trong phim khi phong thủy Sư Sang deok đến chùa Boguksa và mở cuốn sổ ra đã tìm thấy bản đồ đánh dấu các chấm đỏ có phong ấn trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Chiếc đinh sắt mà nhóm Sang deok đang tìm cách hóa giải chỉ là 1 trong số đó.
Lại nói về thuật trấn yểm trong văn hóa Á Đông. Mặc dù trấn và yểm là 2 thuật ngữ riêng biệt: Trấn là đặt các vật khí phong thủy hiện hữu trên mặt đất còn yểm là các vật đó được đem chôn dưới đất, được gói bọc kín. Nhưng khi ghép chung thì trấn yểm nhằm nói đến việc sử dụng vật phong thủy, bùa chú để kìm hãm, ngăn chặn, áp chế khí vượng theo hướng xấu, còn theo hướng tốt thì có thể dùng để trấn áp tà khí, biến hung thành cát v.v…
Liên quan tới Việt Nam thì cũng có một số dấu ấn còn hiện hữu về việc người xưa từng sử dụng thuật phong thủy để trấn yểm như:
(1) Thăng Long tứ trấn: Bao gồm 4 ngôi đền Bạch Mã (trấn phía Đông), Voi Phục (trấn phía Tây), Kim Liên (trấn phía Nam) và Quán Thành (trấn phía Bắc) nhằm bảo vệ, trấn áp tà khí cho tứ phía của Kinh thành Thăng Long xưa.
(2) Cột đồng Mã Viện khắc sáu chữ :”Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt” do Mã Viện dựng lên sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Tương truyền đây cũng là một vật khí phong thủy dùng để trấn yểm vận khí nước Nam khá giống với cách người Nhật cắm các cọc đinh sắt ở khắp Triều Tiên. Cho tới nay, lịch sử đổi dời vẫn chưa xác định được chính xác nơi đặt cột trụ và câu chuyện xưa cũng đã dần chìm vào quên lãng.
2. Rắn mặt người
Trong phim lúc quan tài được đưa đi, một trong những người thợ đào mộ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra một con rắn đỏ, sau đó anh này đã chặt đầu nó bằng xẻng. Nhưng đây phải là một con rắn bình thường mà là một con rắn có cái đầu của một người phụ nữ. Con rắn này được cho là một trong những Yokai (妖怪 – yêu quái) Nhật Bản có đầu phụ nữ, mình rắn được gọi là Nure-onna(ぬれ女 – 濡女 – Nhu nữ)
Trong phim có tình tiết khi linh hồn của ông nội của Park Ji-yong thoát ra ngoài và nhập vào anh này thì đã tu rất nhiều nước trong tủ lạnh. Có một cách giải thích cho việc này là do yêu quái Nure-onna mệnh “Thủy” và nó thường hút sạch nước ở các vùng đất xung quanh. Do đó ông nội của Park Ji-ong vừa là con ma đói lại thành con ma khát luôn.
Bên cạnh đó Nure-onna một yêu quái gốc gác Nhật Bản lại xuất hiện trong mộ của tổ tiên người Hàn quốc thực sự là một điều cảnh báo. Sự đánh dấu cho một thứ tà ác, ghê gớm hơn chưa xuất hiện và rằng đơn giản câu chuyện không chỉ đơn giản dời chiếc quan tài đi là xong. Cũng như còn điều gì đó có liên quan tới Nhật bản vẫn chưa được phát hiện ra tại đây.
3. Tại sao quan tài họ Park lại ở trên và tại sao lại có một chiếc quan tài dựng ngược đặt dưới?
Tình tiết được mọi người hỏi nhau nhiều nhất sau khi phim kết thúc là chiếc quan tài dựng ngược và tại sao nó lại dựng ngược? Quan tài chính là tượng trưng cho chiếc đinh, chiếc đinh đóng thẳng vào huyệt đạo “cái eo của con cáo” cũng chính là xương sống của bán đảo Triều Tiên.
Ác linh nằm trong quan tài vừa là chiếc đinh mà cũng là kẻ bảo vệ đinh.
Và lý do có chiếc quan tài của gia đình tài phiệt họ Park đặt ở trên là nhằm đánh lạc hướng, bảo vệ cho bí mật có một chiếc đinh lớn với mục đích trấn yểm nằm dưới.
Tại sao lại chọn họ Park – một gia tộc tài phiệt? Bởi vì họ Park tích lũy tài sản kếch xù cũng từ nguồn gốc thân phận bán nước, thân Nhật do vậy họ giấu nhẹm đi bí mật gốc gác đáng xấu hổ và mộ phần tổ tiên. Như ở đầu phim, người trong gia đình này luôn tìm cách giấu diếm thông tin về ngôi mộ, không cho mở nắp quan tài là vì vậy. Bởi mọi thứ xấu xa về gia tộc có thể hiển lộ khi quan tài được bật nắp. Bí mật về sự giàu có đó họ cũng muốn chôn vùi mãi mãi giống như việc họ tìm cách quên lãng đi phần mộ tổ tiên. Có đoạn thoại tiết lộ rằng họ phải để mộ vô danh và không chăm sóc cúng bái do sợ trộm mộ. Đây cũng chính là mục đích ban đầu mà nhà sư Gisune đã hướng dẫn họ làm khi chôn ông nội của Park Ji-yong. Vì gia đình nhà tài phiệt sẽ tìm cách để ẩn danh, giấu diếm và bảo vệ ngôi mộ khỏi bọn trộm cũng như sự quấy phá, tránh làm lộ ra bí mật lớn hơn phía sau.
4. Tại sao linh hồn ông nội Park Ji-yong lại muốn trả thù chính gia tộc của mình?
Nỗi oán hận của ông nội Park Ji-yong đến từ chính việc ông này bị chôn theo hướng dẫn của Gisune. Ngôi mộ của ông mãi mãi sẽ là một ngôi mộ vô danh và không được cúng bái chăm sóc, cũng như thân phận bán nước mà con cháu ông không dám tiết lộ ở Hàn Quốc.
Với một người khi mất đi không được cúng bái đầy đủ, con cháu lãng quên, mộ phần lại bị khống chế bởi một ác linh Nhật Bản thì chẳng bao giờ có thể siêu thoát nên sinh ra oán khí nặng nề. Và ông muốn trả thù cho toàn bộ đám con cháu nối dõi “bất hiếu” của dòng họ đang ăn sung mặc sướng kia.
Việc nhắm đến con cả của dòng họ có thể bắt nguồn từ việc quan niệm trưởng tử phải thờ cúng tổ tiên của văn hóa Đông Á.
5. Chùa Boguksa có liên hệ gì với ngôi mộ?
Boguksa – 保國寺 Bảo Quốc Tự. Từ Hán Việt do mình tự tìm kiếm tra cứu thêm. Có thể không chính xác. Đây là tên của ngôi chùa nằm dưới chân núi có chứa quan tài của gia đình họ Park.
Ngay với cái tên “Bảo Quốc Tự” cũng đã mang hàm ý bảo vệ quốc gia. Và trong phim trên mái ngôi chùa và trên cuốn sổ cũng có biểu tượng của một hội nhóm phong thủy mà ông Sa deok có biết. Do đó mình dự rằng ngôi chùa này cũng được tạo ra nhằm mục đích bảo hộ hoặc ít nhất để giảm bớt tà khí của thứ ác linh đang có trên núi.
Đây cũng có thể là căn cứ ban đầu của hội nhóm phong thủy ban đầu có ý định quật mộ hóa giải trấn yểm nhưng bất thành.
6. Nhà sư Gisune là ai?
Gisune là nhà sư mà gia đình họ Park nhắc đến khi được hỏi tên người đã lựa chọn mảnh đất và hướng dẫn họ chôn cất cho ông nội.
Danh tính nhà sư này dần dần được tiết lộ và chính là 1 Onmyoji (Âm dương sư) một con hồ ly tinh. Có thể vì vậy dấu ấn của Gisune để lại quanh khu vực mộ là những đàn cáo hăm he, rình mò liên tục. Thực ra nếu dịch phim đúng tiếng Nhật thì phải là Kitsune (キツネ) không phải là Gisune và Kitsune trong tiếng Nhật cũng có nghĩa là con cáo. Sa deok cũng có nói rằng đất có cáo là đất xấu và không hiểu rằng ai lại đi chọn vùng đất này. Hẳn tất cả là âm mưu của Gisune.
Gisune xuất hiện quỷ dị trong góc phải tấm hình bà cô Park Ji-yong giữ chụp ảnh gia tộc họ Park. Hắn cũng được ác linh nhắc đến khi thực hiện nghi lễ để nhét thanh kiếm Katana nung đỏ, khâu xác của viên tướng lại để biến thành cọc sắt trấn yểm bán đảo Triều Tiên. Liên kết sự kiện thì đích thực Gisune đã trở thành yêu tinh sống xuyên suốt các thời kỳ lịch sử và có trách nhiệm tạo ra cũng như bảo vệ phần nào cho các cọc sắt trấn yểm.
7. Ác linh trong mộ là ai?
Dựa vào các đoạn thoại, chúng ta có thể suy đoán về bản chất của thứ này. Nó là một Daimyo (lãnh chúa) đã trở thành thần sau khi giết chết hàng vạn người, và đã chết 500 năm sau trận Sekigahara (năm 1600) khi bị chặt đầu.
Dựa vào các chi tiết trong phim, có thể suy đoán rằng sau khi bị chặt đầu, nó được thờ cúng tại một ngôi đền ở Nhật Bản. Việc thờ cúng một vị thần đã giết chết hàng vạn người là điều hiển nhiên, nhưng điều đáng chú ý là trước đây, một Onmyoji (âm dương sư – Gisune) đã chôn quan tài của nó dưới quan tài của ông nội Park Ji-yong để cắt đứt mạch khí của Joseon.
Nó được chôn cùng với y phục quan triều và đầu được khâu lại với phần thân bằng 1 thanh kiếm Katana nung đỏ. Ban đầu được dự định chôn ở Namsan, nơi được gọi là “xương sống của con hổ”.
Một số điểm được cài cắm thêm vào trong phim có thể suy ngẫm thêm như:
- Hình ảnh gia tộc tài phiệt trong các phương tiện truyền thông đại chúng thường được mô tả là một “gia đình bát nháo” với những cuộc tranh giành tài sản giữa các anh chị em ruột. Tuy nhiên, đạo diễn lại chọn cách thể hiện một hình ảnh khác: họ đoàn kết bên nhau, lấy người cha già quá cố làm đầu, và ưu tiên thể hiện mối quan hệ gắn bó được kết nối bởi dòng máu. Điều này cũng phần nào tương đồng với gia đình Park Ji-yong xuất hiện sau đó.
- Có một số ý kiến thắc mắc về việc tại sao nhân vật cậu bé ở cảnh phim đầu lại lấy răng giả của bà nội đã mất. Theo tiết lộ, đạo diễn Jang Jae-hyun lấy cảm hứng cho cảnh quay này từ một kỷ niệm thời thơ ấu của chính mình.
- Lúc ông Sang deok nói có thấy lũ cáo trên núi không, quanh mộ xuất hiện cáo là điềm gở. Xấu nhất trong các điềm xấu vì theo truyền thuyết cáo thường đào mộ để ăn xương người do thói quen đào hang của chúng, bởi vậy việc xuất hiện cáo gần khu mộ là điềm báo bất thường, không lành.
- Trong tín ngưỡng dân gian Hàn Quốc, có một phong tục kiêng kỵ việc làm hại rắn. Đặc biệt, việc làm hại rắn xuất hiện ở những nơi quan trọng như nhà cửa hay mồ mả được coi là hành động vô cùng bất kính hoặc có thể không đem lại may mắn, vì vậy nó bị cấm kỵ. Do đó, nguyên tắc chung là không giết rắn mà đuổi đi. Ngay cả trong thời hiện đại, nhiều người lớn tuổi, và thậm chí cả những người trẻ tuổi không hoàn toàn xa lạ với những câu chuyện cổ xưa, cũng thường cảm thấy rùng mình nhưng vẫn cố gắng bắt sống và thả rắn đi. Như vậy việc anh thợ đào mộ ngây ngô vô tình chặt đứt con rắn cũng đã đem lại điềm báo không lành.
- Từ xa xưa, gạo nếp đã được biết đến với khả năng giải độc, nên thường được sử dụng để ngăn chặn hoặc loại bỏ tà khí. Máu ngựa là một trong những thứ mà ma quỷ ghét. Về việc dùng gạo nếp rắc thành vòng tròn tạo kết giới cũng hay thấy trong phim ma của Trung Quốc, Honkong để tránh hồn ma xâm phạm hoặc thoát ra ngoài. Quan niệm về rằm tháng 7 của người Việt cũng khuyên mang theo gạo nếp bên người để trừ tà.