Có lẽ đây là trải nghiệm mà tụi mình hào hứng và mong chờ nhất trong chuyến đi tới Hàn Quốc.
Mình đã mua tour trên Klook để thăm DMZ (Demilitarized Zone) – Khu phi quân sự lớn nhất thế giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, được một lần nhìn sang Triều Tiên – Đất nước bí ẩn nhất thế giới.
DMZ là từ viết tắt của khu vực phi quân sự (Demilitarized zone). Được thành lập vào năm 1953 nhân sự kiện ngừng bắn của Chiến tranh Triều Tiên, DMZ đại diện cho khu vực dài 2 km của hai miền bắc và nam từ Đường Ranh Giới Quân Sự. DMZ luôn đảm bảo sự an toàn của du khách. Quan trọng hơn cả, do không có người sinh sống nên khu vực này vẫn còn bảo tồn các điểm thu hút sinh thái và lịch sử có giá trị.
Về mặt lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn chứ chưa có hiệp ước hòa bình.
Bên lề chút chắc cũng có một số bạn biết Việt Nam cũng từng tồn tại 1 khu DMZ như vậy tại vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam Bắc. Và tới nay thì Việt Nam đã may mắn hơn rất nhiều so với Hàn Quốc và Triều Tiên.
Tụi mình đã dậy từ rất sớm vì mỗi ngày khu DMZ giới hạn số lượng người tới thăm và phải được kiểm tra rất kỹ càng, passport và các vật dụng được mang theo. Họ chỉ chấp nhận các tour đi theo nhóm chứ không phải du khách cá nhân. Cách Seoul khoảng 1h đi xe, Công Viên Imjingak là địa điểm public đầu tiên tụi mình dừng chân mà chưa cần kiểm tra giấy tờ. Sau khi thăm quan các địa điểm và có giấy phép, tụi mình đã đi qua các cửa kiểm tra quân sự và đi sâu vào khu vực DMZ. Các địa điểm trong tour các bạn có thể xem chi tiết TẠI ĐÂY
Dưới đây là một số thông tin tụi mình lượm lặt trong chuyến đi:
1. Các ngôi làng trong khu DMZ được miễn nộp thuế. Thế nên họ nói vui rằng khu DMZ là khu phi thuế quan lớn nhất Hàn Quốc. Đây được coi là “phần thưởng” cho những người Hàn Quốc chấp nhận sống tại làng Tự do Taesung thuộc Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền bán đảo Triều Tiên. Taesung là một trong hai ngôi làng có dân thường sinh sống tại DMZ, phía bên kia giới tuyến là làng Hòa bình Kijong của Triều Tiên.
2. Đường hầm thứ 3: Một trong bốn hầm được biết đến do Triều Tiên đào xuyên qua phía Nam DMZ. Khu vực này không được phép chụp hình. Đường hầm này được cho rằng có thể cho phép 30.000 người di chuyển qua mỗi giờ cùng vũ khí hạng nhẹ. Lúc xuống sẽ nhìn qua 1 lỗ nhỏ để nhìn xuyên qua hầm. Người ta cũng nói vui rằng công sức người Triều Tiên đào hầm và nay người Hàn Quốc sử dụng để làm du lịch.
3. Cuộc chiến cột cờ. Mình đã nghe đâu đó nhưng nó là có thật. Hàn Quốc dựng cột 98m, Triều Tiên kém miếng khó chịu hơn thua nên dựng hẳn cột 160m. Lúc mình nhìn qua ống kính đúng là cột cờ Triều Tiên cao hơn hẳn của Hàn Quốc
4. Múi giờ: Ban đầu múi giờ của Triều Tiên chậm hơn Hàn Quốc 30 phút. Tuy nhiên sau thượng đỉnh liên Triều 27/4/2018, Triều Tiên đã điều chỉnh múi giờ vào ngày 5/5/2018. Hiện nay hai nước đã cùng sử dụng múi giờ chung.
5. Chủ tịch của Huyndai – Chung Ju-yung và câu chuyện bán bò của cha lấy tiền gây dựng sự nghiệp tại miền Nam. Nhưng tới khi chiến sự xảy ra ông không thể trở về. Gia đình chia cắt là nỗi day dứt của ông. Do đó để trả lại món nợ năm xưa, ông đã mua tặng 1100 con bò cho một ngôi làng Triều Tiên.(Nghe không rõ 1100 hay 1001)
Qua bạn hướng dẫn viên người Hàn chia sẻ thì giới trẻ Hàn Quốc từng kỳ vọng rất nhiều khi ông Kim Jongun lên nắm chính quyền vì ông còn trẻ và được cho đi học ở phương Tây, sẽ có sự thay đổi về góc nhìn và về sự thống nhất giữa hai miền. Tuy nhiên sau đó vẫn không có điều gì xảy ra.
Hiện nay họ hy vọng hai miền sẽ sớm được thống nhất vì cùng dòng máu, gốc gác, nói cùng một ngôn ngữ. Mình thấy phía Hàn Quốc đang rất nỗ lực cho điều này bằng cách xây dựng truyền thông, quảng bá, du lịch và xây dựng DMZ theo hướng hoà bình và thống nhất.
Quang cảnh và một số địa điểm tham quan tại Công Viên Imjingak
Khám phá DZM
Cảm giác vừa hào hứng, vừa có chút lo sợ nhưng những trải nghiệm ở đây đã khiến mình cảm thấy rất may mắn vì được sống ở một đất nước hòa bình và thống nhất. Một trải nghiệm đáng có nếu có cơ hội tới du lịch Hàn Quốc.